Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau ngày 15/11,ậutrườngđàmphánchocuộcgặpthượngđỉnhMỹvn bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco. Hai lãnh đạo sẽ thảo luận loạt vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu cũng như cách thức để "quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm".
Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ hai giữa hai lãnh đạo từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Để đi đến thống nhất về cuộc gặp, các quan chức hai nước đã trải qua những cuộc đàm phán, thương lượng căng thẳng trong vài tuần qua, WSJ dẫn các nguồn thạo tin cho biết.
Trong những cuộc tiếp xúc đầu tiên vào tháng trước, các quan chức Trung Quốc đưa ra một đề xuất: Nếu Chủ tịch Tập đồng ý gặp mặt, ông trước hết muốn dự một bữa tiệc với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ khi tới.
Tuy nhiên, Nhà Trắng không đồng ý. Với loạt bất đồng cần giải quyết giữa hai nước, các quan chức Mỹ cho rằng Chủ tịch Tập nên gặp Tổng thống Biden trước. Trước sự kiên quyết này, phía Trung Quốc đã nhượng bộ và thu xếp bữa tối giữa ông Tập với các CEO sau hội nghị APEC.
Theo các cuộc phỏng vấn với quan chức ở cả hai bên, chuyên gia đối ngoại và những người khác nắm được thông tin về cuộc gặp, con đường dẫn tới cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Trung thực sự trải đầy chông gai, khi hai bên đều vận dụng mọi biện pháp nhằm giành lợi thế nhiều nhất trước đối phương.
"Mỗi lần Mỹ có hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc, cả hai bên đều thảo luận xem ai ở vị thế mạnh hơn", Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại Quỹ German Marshall, Mỹ, cho hay.
Trong nhiều tuần trước đó, Chủ tịch Tập đã từ chối nhận điện thoại của Tổng thống Biden, dù ông chủ Nhà Trắng công khai tuyên bố rằng ông muốn nói chuyện với lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là sau sự cố bắn rơi khí cầu hồi tháng hai.
Hai lãnh đạo đã không trao đổi kể từ sự cố khí cầu. Nó cũng khiến chuyến thăm Bắc Kinh được lên kế hoạch của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bị trì hoãn suốt 4 tháng.
Nhận định sai khiến Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc
Thời điểm Ngoại trưởng Blinken tới Bắc Kinh để khởi động lại các cuộc trao đổi vào tháng 6, ông đã được các quan chức cấp cao Trung Quốc chào đón và được ông Tập tiếp tại tại Đại lễ đường Nhân dân.
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đưa tin về cuộc gặp đã đăng bức ảnh cho thấy Ngoại trưởng Blinken ngồi ở cạnh bên của chiếc bàn dài trong Đại lễ đường Nhân dân, thay vì được ngồi cạnh ông Tập như người tiền nhiệm.
Các quan chức Mỹ cáo buộc vào khoảng thời gian này, tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập vào tài khoản email chưa được mã hóa bảo mật của các trợ lý hàng đầu cho Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này.
Những dấu hiệu thể hiện thái độ cứng rắn của hai bên có nguy cơ tạo ra tình huống căng thẳng, làm lu mờ những biểu hiện thiện chí cần thiết để giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời tiếp tục gieo rắc ngờ vực trong mối quan hệ Mỹ - Trung, giới quan sát đánh giá.
Bắc Kinh đã nỗ lực hết sức để có được lợi thế lớn nhất và sử dụng một phương pháp ưa thích để đối phó với Mỹ là thông qua các doanh nhân hoặc chính trị gia có quan hệ lâu dài với Trung Quốc và có ảnh hưởng lớn ở Washington.
Các quan chức Trung Quốc tìm đến một người được coi là bạn cũ của Bắc Kinh: Maurice "Hank" Greenberg, ông trùm bảo hiểm đã kinh doanh ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
Hồi tháng 6, Greenberg, 98 tuổi, đã lên kế hoạch tới Bắc Kinh để gặp ông Tập. Phía Trung Quốc đã bố trí đội ngũ hùng hậu xe cứu thương, bác sĩ và y tá để sẵn sàng đón ông đến.
Khi Greenberg phải hoãn chuyến đi vì lịch trình xung đột, công tác chuẩn bị vẫn có ích khi Trung Quốc đón cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, 100 tuổi, vào tháng 7.
Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Trung Quốc cuối cùng đã tới Washington vào mùa hè để mở đường cho cuộc gặp. Sau đó, cấp trên của ông, Ngoại trưởng Vương Nghị, lại không đến dự cuộc họp tiếp theo vào tháng 9 như dự kiến.
Một quan chức tại Washington cho biết sự vắng mặt có chủ đích này của Ngoại trưởng Trung Quốc nhằm "tạo đòn bẩy lợi thế" trước các đối tác Mỹ.
Ngoài Ngoại trưởng Blinken, Tổng thống Biden đã cử hàng loạt quan chức cấp cao khác tới Bắc Kinh để chứng tỏ rằng Mỹ quan tâm đến việc đàm phán. Nhưng không ai trong số họ nhượng bộ về các biện pháp gây áp lực kinh tế mà Mỹ đang áp đặt với Trung Quốc, các quan chức cho biết.
Khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo đến Bắc Kinh vào tháng 8, Huawei Technologies, tập đoàn Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen từ năm 2019, đã trình làng một mẫu điện thoại mới trị giá hơn 900 USD, được sản xuất từ chip bán dẫn nội địa mà Trung Quốc vốn trước đây không thể tạo ra được do các hạn chế xuất khẩu của Mỹ.
Chiếc điện thoại mới được nhiều người Trung Quốc coi là một thành tựu công nghệ chứng tỏ khả năng đất nước vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Myron Brilliant, nhà tư vấn kinh doanh với hàng chục năm kinh nghiệm về Trung Quốc, đã được đón tiếp nồng nhiệt khi ông đến thăm Bắc Kinh vào tháng 9 và gặp gỡ các quan chức kinh tế và chính sách đối ngoại cấp cao của Trung Quốc. Trở về Mỹ, ông mang theo thông điệp về một hội nghị thượng đỉnh tiềm năng.
"Vấn đề số một là họ không muốn ông Biden làm ông Tập bẽ mặt", Brilliant cho biết. "Tôi rời Bắc Kinh với cảm giác rằng các chuyến thăm cấp cao của Mỹ đã làm giảm căng thẳng nhưng chưa thực sự tạo ra thay đổi đáng kể".
Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các hành động mà Bắc Kinh không hài lòng, như ra lệnh ngăn đầu tư từ Mỹ vào các công nghệ hàng đầu ở Trung Quốc và thắt chặt kiểm soát chất bán dẫn. Những hành động như vậy khiến các nhà đàm phán Trung Quốc lo lắng, sợ rằng Bắc Kinh có thể bị mất mặt nếu công bố về chuyến thăm Mỹ của ông Tập.
Các quan chức Mỹ cho rằng dù chính quyền Biden mong muốn có một hội nghị thượng đỉnh, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn cần phải biết rằng cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc chưa khép lại. "Chúng tôi có thể vừa thảo luận vừa cạnh tranh", một quan chức Mỹ nói. "Đối thoại cũng có lợi cho họ".
Đến tận cuối tháng 10, khi Ngoại trưởng Vương Nghị tới Washington, những lo ngại về các hành động cứng rắn hơn của Mỹ, như bán vũ khí cho Đài Loan hay trừng phạt một công ty lớn của Trung Quốc, vẫn khiến Bắc Kinh không thể đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh.
"Chúng tôi đã nói với người Mỹ rằng chúng tôi cần một khoảng thời gian bình ổn", một quan chức Trung Quốc cho hay. "Người Mỹ liền hỏi 'Bao lâu? Một tuần, hai tuần hay một tháng?'".
Tuy nhiên, cả hai bên đều hiểu rằng APEC là cơ hội thuận tiện để hội nghị thượng đỉnh giữa ông Biden và ông Tập diễn ra. Đây có thể là cuộc gặp cuối cùng giữa họ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới, đồng nghĩa với việc cánh cửa ngăn chặn vòng xoáy suy thoái quan hệ đang dần khép lại.
Cả ông Biden và ông Tập đều quan tâm đến việc ngăn cạnh tranh giữa hai cường quốc biến thành xung đột. Các đồng minh của Mỹ cũng muốn Washington quản lý căng thẳng với Bắc Kinh. Đây được coi là động lực giúp hai bên vượt qua các bất đồng để đi đến thống nhất về hội nghị thượng đỉnh.
Trong một bài xã luận gần đây, People's Daily, cơ quan ngôn luậncủa đảng Cộng sản Trung Quốc, đã thể hiện giọng điệu hòa giải với Mỹ, mô tả mối quan hệ song phương là "ổn định và đang cải thiện thay vì rơi vào xung đột và đối đầu".
Vũ Hoàng(Theo WSJ)