Tôi từng chia sẻ kể về hành trình tuổi thơ đầy may mắn và sự nỗ lực không ngừng suốt những năm tháng tuổi trẻ của mình. Dù có chuyện gì xảy ra,ảgiákhingừngnỗlựcởtuổeto tôi cũng không bỏ cuộc, tiến chậm nhưng chắc chắn và bền bỉ.
Thời gian này, tôi có may mắn được gặp nhiều bạn trong hành trình chia sẻ về công việc, nghề nghiệp cũng như đánh giá lại năng lực bản thân. Đây là một câu chuyện dài và có nhiều thuận lợi. Thuận lợi là các bạn đều chủ động tìm đến và đều định vị rõ bản thân mình đang ở đâu, mình muốn gì, đâu là lợi thế nhất định.
Tuy vậy, vẫn còn không ít trường hợp: đi làm 8 năm, 10 năm nhưng sẽ phải bắt đầu lại với vị trí mới; đi làm lâu rồi nhưng không tìm thấy niềm vui trong công việc, đến công ty nhưng không có năng lượng; ở quá lâu một chỗ và bây giờ công ty buộc phải cắt giảm lao động; đi làm lâu nhưng chỉ là số năm kinh nghiệm, chưa có nhiều trải nghiệm đủ sâu và đủ lâu cho một cấp độ chuyên gia hay mong muốn nào đó; chỉ lớn tuổi mà không rõ được hành trình tiếp theo của mình là gì hoặc đâu mới là kiểu công việc, cuộc sống mà mình đang tìm kiếm cho đến cuối đời...
Phải chăng, nhiều người đã ngủ quên, quá ỷ lại vào thành tựu trong quá khứ hoặc những điều mà bản thân luôn cho là đúng?
Thế giới luôn vận động và phát triển không ngừng. Mỗi giây trôi qua, suy nghĩ và nhận thức trong mỗi người sẽ khác. Thậm chí, nhiều thứ đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi, thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận và ta cần phải theo dõi nó trước khi bị đào thải. Covid-19 là minh chứng rõ nét nhất cho câu nói: chỉ có một thứ không bao giờ thay đổi đó là sự thay đổi.
Tuổi trẻ bao giờ cũng nhiều thời gian vì không có nhiều lo toan, vướng bận. Nhưng về lâu dài, thời gian sẽ là thứ hữu hạn. Nhiều khi chưa kịp tỉnh thức thì thời gian đã trôi về cuối đời. Bạn sẽ phải làm gì khi đã lớn tuổi nhưng phải bảo vệ mình trước sự cạnh tranh của sức trẻ, của những thay đổi về tính chất công việc và kể cả là sự linh hoạt trong tư duy và cách tiếp cận vấn đề mới?
>> 'Chấp nhận lương thấp 10 năm đầu sự nghiệp'
Khi đi làm, chúng ta có hai sự lựa chọn phấn đấu: một là làm quản lý, hai là trở thành chuyên gia. Chỉ một số rất ít trong chúng ta có thể trở thành lãnh đạo hoặc lãnh đạo cấp cao. Vì thế, ít nhất chúng ta đều có cơ hội trở thành chuyên gia, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Yêu cầu của vị trí HRBP (Human Resource Business Partner - đối tác kinh doanh - thường là vị trí cao nhất của bộ phận Nhân sự) là 8 năm. Hay để đạt tới vị trí chuyên gia cần ít nhất 10 năm hoặc (10.000 giờ) làm việc để có thể trở có đẳng cấp cao.
Và trong một cuốn sách mà tôi mới đọc gần đây, các tác giả đã khuyên rằng: "Để trở thành chuyên gia (T-sharped People) sớm, bạn cần:
1. Rèn luyện có chủ đích với cường độ cao hàng ngày;
2. Luyện tập đủ thời gian (đủ lâu) để thấy được nhiều góc cạnh của nội dung và duy trì liên tục để lên cấp độ cao hơn và chuyên môn, kỹ năng và kể cả là kiến thức, trải nghiệm;
3. Có người huấn luyện có tâm, có tầm (tìm thầy để học)".
Cuối cùng, hành trình mỗi người đều là những ngày thử thách. Tùy thuộc vào việc bạn nhận thức được mình cần gì và đâu là những năng lực quan trọng phù hợp với phát triển bản thân, công việc và cuộc sống. Hay việc lựa chọn có định hướng từ đầu với những người thầy cùng với sự kiên trì, bền bỉ và một kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, đều sẽ ảnh hưởng lớn đến bạn về sau. Vì vậy, hãy luôn nỗ lực ngay cả khi còn trẻ để không bị thay thế trong tương lai gần.
Tóm lại, độ tuổi từ 30 trở đi là thời điểm đánh dấu và ghi nhận độ chín, trưởng thành trong nghề nghiệp của mỗi người. Nhưng đó lại là kết quả của sự nỗ lực kiên trì, bền bỉ trong những năm tháng tuổi trẻ trước đó.
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.