Bà Trương Mỹ Lan,íẩnhơntỷđồngtiềnmặtbàTrươngMỹLanxuấtkhỏfancuongboylove Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03), đề nghị truy tố về ba tội: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Đưa hối lộ.
Việc điều tra sai phạm liên quan Vạn Thịnh Phát và SCB đã khép lại sau 13 tháng điều tra. Trong 86 người bị đề nghị truy tố có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ SCB, 8 người của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, 12 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước, 3 Thanh tra Chính phủ, một người của Kiểm toán Nhà nước
>> Danh sách 86 bị can.
Ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bà Lan được gọi với biệt danh là Madam - người chủ thực sự của SCB, có quyền lực cao nhất, chi phối mọi hoạt động của nhà băng này. Theo kết luận điều tra, SCB được bà Lan sử dụng như một "công cụ tài chính" để huy động tiền gửi sau đó cấp vốn cho hệ sinh thái của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Khi cần tiền, bà Lan chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng phối hợp với cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống. Quy trình giải ngân tiền của SCB cho bà Lan là rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau.
Tiền xuất khỏi ngân hàng, nữ chủ tịch sẽ chỉ đạo cấp dưới chuyển từ công ty được giải ngân sang các pháp nhân, cá nhân "ma" mở tài khoản tại SCB. Khi cần sử dụng, bà Lan yêu cầu "chuyển tiền lòng vòng" trong các công ty chân rết do Vạn Thịnh Phát quản lý để tránh bị kiểm toán.
Trường hợp cần tiền mặt, bà Lan gài pháp nhân "ma" vào hồ sơ vay vốn để hợp thức hóa. Thế nhưng, thay vì chuyển khoản, bà chỉ đạo nhân viên rút trực tiếp tiền mặt. Phần lớn tiền được rút ra từ SCB chi nhánh Sài Gòn, một trong những chi nhánh lớn.
Theo cơ quan điều tra, điểm chung là bà Lan thường ra yêu cầu cần gấp tiền mặt, phải đáp ứng ngay. Khi nhận lệnh từ nữ chủ tịch, lãnh đạo SCB sẽ chia nhau tìm cách đáp ứng. Tiền chủ yếu lấy từ nguồn khoản vay tín dụng hoặc phát hành trái phiếu.
Tiền mặt xuất khỏi nhà băng sẽ đưa cho Bùi Văn Dũng (lái xe của bà Lan) để dùng ôtô chở về nhà riêng của nữ chủ tịch ở tòa nhà Sherwood số 127 Pasteur, quận 3, TP HCM hoặc trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở 193-203 Trần Hưng Đạo. Tiền sau đó do Dũng hoặc Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của bà Lan) chuyển đến các địa chỉ khác nhau do nữ chủ tịch chỉ đạo. Dũng và Uyên không được phép ghi chép, lưu giữ về lai lịch, địa chỉ người nhận tiền.
Theo sổ ghi chép cùng lời khai của Dũng và Uyên, từ tháng 2/2019 đến khoảng tháng 9/2022 đã vận chuyển tiền mặt từ SCB về nhà riêng bà Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc giao cho người khác, ước tính khoảng 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD (khoảng 355 tỷ đồng). Kết luận điều tra không nêu về đích đến cuối cùng của các khoản tiền này.
Dũng và Uyên bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sảnsong cảnh sát tách vụ án điều tra ở giai đoạn sau.
Ngoài các hành vi đã kết luận, Bộ Công an đã tách vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sảnliên quan phát hành trái phiếu và Rửa tiềnđể tiếp tục điều tra. Trong 22 người đã bị khởi tố để điều tra trong giai đoạn 2, vợ chồng Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ cùng 6 người khác bị nghi có hành vi Rửa tiền.
Biến tài sản đang thế chấp ngân hàng thành của riêng
Theo kết luận, 875 khách hàng đứng tên giúp cho nhóm bà Lan vay 1.284 khoản ở SCB có 440 cá nhân, 435 pháp nhân. Các pháp nhân đều là công ty "ma" do bà Lan chỉ đạo cấp dưới dựng lên để đứng tên làm thủ tục giải ngân cho phù hợp với quy định về rút vốn. Các công ty này không có hoạt động kinh doanh nhưng để tránh sự giám sát của cơ quan chức năng nhóm bà Lan đã thuê người trực số điện thoại đã đăng ký, làm báo cáo thuế, quản lý con dấu như bình thường.
Bà Lan luôn có hơn 1.000 công ty, giao cho cán bộ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát theo dõi, để sẵn sàng đứng tên trên tài sản bảo đảm hợp thức rút tiền. Với 875 khách hàng vay vốn của SCB do bà Lan dựng lên, tất cả khai chỉ ký chứng từ hồ sơ, không được sử dụng tiền. Khi bị điều tra, họ ngỡ ngàng khi biết mình dư nợ tại SCB lớn như vậy, kết luận nêu.
Theo quy định, để vay được tiền ngân hàng phải có tài sản bảo đảm, bà Lan đã dùng nhiều loại tài sản khác nhau như nhà đất, dự án để thế chấp. Các tài sản này đều được nâng khống giá trị lên gấp nhiều lần nhằm mục đích rút được số tiền lớn.
Điển hình của việc đưa tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị thực là các khoản vay liên quan tài sản bảo đảm ở dự án Mũi Đèn Đỏ. Để vay được 137 khoản vay với tổng số 107.000 tỷ đồng, nhóm bà Lan đã dùng tài sản đảm bảo trên sổ sách là 584.400 tỷ đồng. Thế nhưng thực tế các tài sản này chỉ được định giá khoảng 22.000 tỷ đồng, bằng khoảng 3,7% giá trị bị nâng khống trong sổ sách.
Không chỉ rút tiền của SCB, bà Lan còn chỉ đạo "rút ruột" của SCB bằng việc hoán đổi sau đó rút các tài sản đảm bảo có giá trị pháp lý ra khỏi ngân hàng. Các tài sản rút ra để phục vụ bà Lan sử dụng cho mục đích cá nhân.
C03 cáo buộc, trong 1.284 khoản vay của nhóm bà Lan có 240 tài sản bảo đảm cho 430 khoản vay đã bị hoán đổi. Trong đó có những khoản vay bị hoán đổi tài sản đến 12 lần.
Giá trị tài sản khi đưa vào thế chấp được định giá trên sổ sách là 487.000 tỷ đồng nhưng sau khi bị hoán đổi chỉ còn giá trị 351.000 tỷ. Tuy nhiên, tại thời điểm khởi tố vụ án, công ty thẩm định giá độc lập xác định các tài sản đảm bảo chỉ có tổng giá trị 108.000 tỷ đồng, nghĩa là thấp hơn nhiều lần so với con số trên sổ sách ở SCB.
Không những hoán đổi, bà Lan còn chỉ đạo xuất hẳn 67 tài sản có giá trị lớn ra khỏi hệ thống SCB. Một phần số đó được chuyển sang cho nhóm Vạn Thịnh Phát sở hữu như tòa nhà Sherwood Resident, tòa nhà 66 Phó Đức Chính. Cảnh sát xác định nhiều tài sản lớn đã được chuyển nhượng cho bên khác hoặc chuyển sở hữu nước ngoài nên không thể kê biên được.
Theo kết quả điều tra, dòng tiền của 1.283 khoản vay với tổng số 483.000 tỷ đồng còn dư nợ gốc (khi giải ngân là 525.480 tỷ đồng) của nhóm bà Lan được xác định như sau: Trả nợ khoản vay cũ tại SCB: 57.000 tỷ đồng, chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB 381.000 tỷ đồng, rút tiền mặt 81.800 tỷ, chuyển khoản nội bộ ngân hàng 5.200 tỷ.
Hành vi của bà Lan bị cáo buộc khiến SCB mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.000 tỷ đồng. Bà Lan cùng 8 người khác tại Vạn Thịnh Phát, 45 người của SCB, 7 người tại các công ty thẩm định giá bị quy kết gây thiệt hại cho SCB 500.000 tỷ đồng.
Trong 86 người bị đề nghị truy tố có 5 bị can đang bị truy nã gồm: hai cựu chủ tịch Ngân hàng SCB Nguyễn Thị Thu Sương và Đinh Văn Thành; Chiêm Minh Dũng, cựu phó tổng giám đốc SCB; Trầm Thích Tồn, cựu thành viên HĐQT SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB.
Hai bị can khác cũng đang bỏ trốn là Sun Henry Ka Ziang, quốc tịch Trung Quốc, thành viên HĐQT SCB; Lam Lee George, quốc tịch Canada, cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB được tách riêng hành vi để điều tra sau.